Giao hàng
toàn quốc
Thanh toán
linh hoạt
0

Món quà từ tay mẹ: Những câu chuyện mẹ kể năm nào

Madasa 8 năm trước 2192 lượt xem

Món quà tôi nhận được từ mẹ tôi là vậy đấy. Món quà ấy chính là nhân cách tôi bây giờ. Nếu không có những câu chuyện của mẹ, nếu không có chính tấm gương sáng của mẹ, tôi nghĩ tôi sẽ không biết mình phải soi vào đâu để thấy mình trong những ngày tăm tối...

 
Trong những tháng ngày giao mùa này, lòng tôi thực sự nhớ mẹ. Mẹ tôi đã ra đi được hai năm nay, vào một ngày tháng 5 nắng cháy đổ lửa trên dải đất miền Trung. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa từng một lần dám nói lời cảm ơn mẹ, dù thật lòng tôi vẫn thầm cảm ơn vì cuộc đời đã ban cho tôi một người mẹ không thể nào tuyệt vời hơn…
Nói đến quà, có lẽ chính con người và nhân cách của mẹ là món quà cao quý nhất mà tôi được nhận cho tới tận bây giờ. Nhưng cụ thể hơn, thì những bữa cơm của mẹ là thứ khiến tôi nhớ nhất. Mẹ tôi là một phụ nữ Huế kiểu mẫu, nên chuyện nữ công gia chánh được mẹ chăm chút, xem trọng từng li từng tí. Những bữa cơm gia đình tôi luôn tươm tất, vừa ngon vừa đẹp mắt. Có thể vì thế, mà từ khi tôi biết nhận thức cho tới hôm nay, gia đình tôi luôn yên ấm, chan hòa tình thương.
Nhưng đến với cuộc thi này, câu chuyện tôi muốn kể không phải là những bữa ăn gia đình mà là câu chuyện về những câu chuyện ngụ ngôn. 
Từ khi tôi được bốn tuổi, thì ngoài những câu hát ru tôi còn được mẹ kể chuyện ngụ ngôn. Thường thì mỗi ngày mẹ tôi kể một chuyện, cứ hết chuyện mẹ lại lặp lại câu chuyện đã kể trước đây; kèm theo rất nhiều lời giải thích. Mẹ không chỉ kể chuyện trước giờ tôi đi ngủ như một cách dỗ tôi ngủ, mẹ kể cho tôi bất kỳ thời điểm thích hợp nào. Đó có thể là trước lúc tôi đi ngủ, cũng có khi là lúc tôi thức dậy mà mãi nằm trên giường, cũng có khi là lúc tôi phạm lỗi, và cũng có lúc mẹ kể chuyện khi tôi làm được việc tốt điều hay… Những câu chuyện của mẹ cứ ngày này qua tháng khác khắc sâu vào tâm trí tôi, vừa nhẹ nhàng vừa ngọt ngào nồng ấm. Mãi tới khi tôi ra đời, vốn dĩ từ năm lớp 10 tôi đã phải ở trọ học theo diện tập trung của một lớp chọn và gặp muôn vàn khó khăn; tôi mới thấy mình vượt qua chúng thật dễ dàng, mạnh mẽ. Tôi không cần gồng mình lên chịu đựng, không cần yếu đuối khóc lóc vật vã, càng không sợ hãi chùn bước… những gì đến với tôi, tôi đều vượt qua mà mãi sau này tôi mới nghiệm ra, đó là nhờ những câu chuyện ngụ ngôn của mẹ.
Năm tôi 14 tuổi, tôi còn nhớ như in câu nói của mẹ “nếu con muốn thấy cuộc đời màu hồng, hãy đọc truyện cổ tích; còn nếu con muốn thấy màu thật của cuộc đời, hãy đọc truyện ngụ ngôn”. Ngày đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói này, nhưng tôi vẫn khắc cốt ghi tâm những điều mẹ dạy. Giờ đây, khi đã ra trường, đi làm, va vấp nhiều… tôi mới hiểu ra, vốn dĩ cuộc đời này chưa bao giờ màu hồng cả, vì thế truyện cổ tích chỉ để cho chúng ta niềm vui và niềm tin vào cuộc sống thôi. Còn truyện ngụ ngôn dạy chúng ta cách nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào những điều đã xảy ra của người đi trước để rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Vậy nên, tôi đã an lành sống mỗi ngày dù chung quanh tôi luôn ắp đầy áp lực từ cuộc sống, công việc, gia đình và các mối quan hệ.
Và có một điều nữa, sau này tôi mới nhận ra là, trong những câu chuyện ngụ ngôn của mẹ, có cả những chuyện là do mẹ tự nghĩ ra. Mẹ tự nghĩ ra có lẽ là vì trong một số hoàn cảnh cụ thể của tôi ngày bé, mẹ chưa tìm được một câu chuyện phù hợp có sẵn. Nhưng cái cách mẹ kể vô cùng hợp lý và để lại rất nhiều bài học sâu sắc.
Cách đây 2 năm, khi biết mình lâm bạo bệnh và phải đi xa, mẹ có gọi tôi lại và kể cho tôi nghe câu chuyện ngụ ngôn cuối cùng, rằng:
“Có một gia đình thỏ nọ rất yêu thương nhau. Một ngày nọ, thỏ mẹ vì tuổi cao sức yếu nên đã qua đời. Thỏ chị khóc lóc vật vã suốt mấy ngày liền. Thỏ giữa thì vừa lo chăm sóc chị vừa lo đi kiếm thực phẩm về cho cả gia đình. Thỏ út thì lo đi tìm người lo ma chay cho mẹ. Cuối cùng, ngày chôn mẹ, thỏ chị vì khóc quá nhiều đã ngất lịm đi nên không thể lo được việc gì, càng không thể tiễn mẹ đi một đoạn đường. Mãi tới một tháng sau, khi mọi việc nguôi ngoai, thỏ chị mới nhận ra, thỏ giữa và thỏ út thi thoảng vẫn lặng lẽ khóc trước bàn thờ mẹ nhưng rồi lại thầm cầu khấn cho thỏ chị mạnh khỏe và các cháu chăm ngoan. 
Từ đó, thỏ chị hiểu ra rằng, với một sự việc đau lòng nhất phải đối mặt, thì khóc lóc không phải là cách thể hiện tình yêu thương. Yêu thương khi ấy chính là đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau mà cố gắng tiếp tục sống để người ra đi an lòng.”
Một ngày sau đó, mẹ tôi mất.
Tôi hiểu câu chuyện của mẹ, và rất rất nhiều câu chuyện khác. Nên dù thật sự đau lòng lắm, tôi vẫn mạnh mẽ vượt qua để cùng ba và hai em chăm lo gia đình.
Món quà tôi nhận được từ mẹ tôi là vậy đấy.
Món quà ấy chính là nhân cách tôi bây giờ. Nếu không có những câu chuyện của mẹ, nếu không có chính tấm gương sáng của mẹ, tôi nghĩ tôi sẽ không biết mình phải soi vào đâu để thấy mình trong những ngày tăm tối.
Ái Nhi (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế)

Bình luận

Tin mới
Sản phẩm HotTất cả