Chàng trai 'tay không bắt giặc' và làm chủ hai quán cà phê
Hà Thanh Phúc (28 tuổi) được nhiều người biết đến với vai trò là nhà văn trẻ, có nhiều tác phẩm được yêu thích như: 48 giờ yêu nhau, Người đàn bà điên tầng 9, Dựa vào vai em và khóc đi anh, Cảm ơn người đã rời xa tôi… Ngoài viết truyện hay, chàng trai này còn khởi nghiệp rất tài.
► CEO The Kafe Đào Chi Anh tuyên bố rời vị trí
► Christine Hà - Vua đầu bếp của tình yêu và nghị lực
“Tay không bắt giặc”
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM, nhiều người tưởng Phúc sẽ theo đuổi một ngành nghề liên quan đến kinh tế, tài chính. Sở hữu khá nhiều truyện ngắn đăng trên các báo Thanh Niên, Người lao động, Hoa học trò, Mực tím, Tuổi Trẻ… nhiều người lại nghĩ Phúc theo nghiệp nhà văn. Cũng có những suy nghĩ Phúc sẽ theo đuổi nghề báo, bởi từng có thời gian là phóng viên mảng văn hóa văn nghệ… nhưng mọi dự đoán ấy đều chưa đúng. Bởi lẽ hiện tại, chàng trai này là ông chủ của hai quán cà phê khá nổi tiếng ở TP.HCM.
Phúc nhớ lại, khi mới vừa đặt chân lên TP.HCM học đại học, đã rất ấn tượng và bị mê hoặc bởi “văn hoá cà phê” của người Sài Gòn. “Mình có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn đi cà phê. Hầu như tuần nào mình cũng tha thẩn khắp các quán cà phê độc đáo. Nghe ai giới thiệu quán hay là mình phải tới cho bằng được dù xa cách mấy”, Phúc kể.
Mặc dù mê là vậy nhưng khi đó Phúc vẫn là sinh viên nghèo nên anh chưa thể mở quán cà phê của riêng mình dù ý tưởng luôn hiện diện trong đầu. “Vậy là mình “cày” để dành dụm tiền khởi nghiệp kinh doanh. Cùng lúc viết truyện, viết báo cho khắp các báo, từ nhỏ đến lớn… “Cày” cật lực, “cày” say mê và không biết mệt là gì vì cố gắng kiếm thật nhiều tiền mở quán cà phê”, Phúc nhớ lại.
Đến năm 3 đại học, số tiền dành dụm kha khá, Phúc nói với gia đình ý định sẽ mở quán cà phê thì ba mẹ phản đối vì cả hai chỉ muốn Phúc chú tâm học tập.
Nhưng vốn dĩ đã yêu thích cà phê, lại ôm mộng “làm ông chủ quán” trong một thời gian khá dài nên Phúc vừa cố gắng học tốt làm vui lòng bố mẹ, vừa quyết tâm “đã thích là làm”. “Và quán cà phê Cooku's Nest (17bis Tú Xương Q.3) ra đời từ đó. Tính đến nay, nhiều người Sài Gòn, nhất là giới trẻ, đã biết đến Cooku's Nest hơn 8 năm rồi”, Phúc chia sẻ.
Sau đó, nhà văn trẻ này lại tiếp tục “cày” với vô số công việc, từ nhân viên PR, quản lý sao Việt, viết sách… để có vốn nhằm cho ra đời thêm quán Vừng ơi mở ra (17 Ngô Thời Nhiệm, Q.3).
Giải nghĩa từ “tay không bắt giặc”, Phúc cười lớn nói: “thì ban đầu chỉ là sinh viên tay trắng, nhưng chịu “cày” nhiều để kiếm tiền nên mới có vốn mở quán cà phê”.
Tuyệt chiêu hút khách hàng của chàng trai trẻ viết văn
Ở TP.HCM có vô số quán cà phê, làm thế nào để có thể cạnh tranh, thu hút khách hàng? Phúc tạo những dấu ấn riêng cho “hai đứa con cưng” của mình bằng thiết kế quán 100% bằng gỗ pallet, và với kiểu thiết kế này đã tạo điểm nhấn đặc biệt cho mọi người, bởi khoảng 8 năm trước không có nhiều quán độc đáo như vậy.
Tìm hiểu thị hiếu khách hàng, Phúc tiếp tục mạnh dạn làm các chương trình hát mộc (không dùng micro) vào hàng đêm. Nếu như mọi người quen tai với guitar, nhạc điện tử, thì chàng trai này đã tổ chức đem lại những tiết mục ca nhạc với: violin, cello, sáo, saxophone… Nhờ vậy hai quán cà phê ngày càng đông khách, không chỉ có khách hàng thân thiết là người Việt Nam mà có cả khách nước ngoài.
Miệng truyền miệng, hai quán ngày càng đông. “Có những hôm mình phải tiếc hùi hụi vì từ chối mấy chục khách đến mà không có chỗ ngồi. Thời ấy khách dễ thương lắm. Họ yêu quý mình và quán mình nên thậm chí không cần chỗ ngồi, chỉ cần vào trong cầm ly nước trên tay đứng nghe nhạc. Có lẽ nét riêng của quán mình là không có khoảng cách giữa chủ và khách. Mọi người xem mình là bạn, là em. Vì lúc ấy đêm nào mình cũng ở quán làm MC kiêm ca sĩ…hát lót, kiêm luôn phục vụ và quản lý”, Phúc kể.
Đặc biệt, để có thể thu hút thêm lượng khách học sinh, sinh viên, chàng trai người Đồng Tháp này còn kết hợp với một số giảng viên người nước ngoài dạy tiếng Anh miễn phí cho bạn trẻ. Khách đến chỉ cần trả tiền nước chứ không cần đóng học phí. Nhờ vậy, khách của Cooku's Nest và Vừng ơi mở ra liên tục tăng theo từng ngày.
Theo Phúc, ban đầu vì chỉ có sở thích đi quán cà phê chứ không hề hiểu rõ về ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống lại vô cùng phức tạp, nên thuở đầu khởi nghiệp Phúc gặp những vô số khó khăn. “Bình thường đi uống nước vỉa hè thấy người ta pha nước chanh, cà phê, sinh tố dễ lắm. Thế mà làm rồi mới thấy không hề đơn giản. Tất cả đều phải có công thức, bí quyết. Nước uống thời quán mới mở bị chê nhiều vì chất lượng không đồng đều. Rồi đến những khâu phức tạp hơn như quản lý kho, nhân viên, quy trình phục vụ, pha chế, kế toán… đều gặp khó khăn cả. Nhất là sắp xếp thời gian công việc. “Vừa đi làm, vừa là chủ quán cà phê rất cực. Nhưng không dám nghỉ công việc, vì sợ nếu kinh doanh không ổn định thì lấy tiền đâu mà nuôi quán”, Phúc tâm sự.
Vậy đã làm gì để vượt qua những khó khăn này? Câu trả lời của Phúc là tự học, tự tìm hiểu. Có vấn đề phát sinh mà Phúc không hiểu gì, không biết phải làm sao thì lập tức Phúc đi hỏi, tìm tài liệu đọc. “Dần dần rồi cũng rút tỉa nhiều kinh nghiệm thực tế. Và chỉ có sự quyết tâm, chăm chỉ, mới giúp hai quán tồn tại, phát triển và được yêu thích như bây giờ”, Phúc nói.
Kinh nghiệm khởi nghiệp... là tích lũy kinh nghiệm
Theo chàng cựu sinh viên Ngoại thương này thì: “Kinh nghiệm là hãy tích luỹ nhiều…kinh nghiệm. Hãy đi làm nhân viên ở mọi vị trí trước khi bắt đầu làm chủ. Ví dụ như mình ngày xưa, nếu như chịu khó đi làm phục vụ, pha chế, thu ngân, quản lý cho các quán khác trước khi tự mở, thì đã không loay hoay chật vật như vậy. Nói chung là khi các bạn là một nhân viên xuất sắc và leo lên được đến vị trí quản lý rồi thì các bạn hãy nghĩ đến việc ra riêng. Chưa kể, còn nhiều yếu tố khác như mối quan hệ của chủ quán, thời điểm kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường”…
Trải qua những khó khăn để đạt được những thành công trong lĩnh vực cà phê, Phúc khuyên những người trẻ đã và đang có ý định khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê thì nên nghiên cứu thị trường thật kỹ, tìm hiểu xu hướng uống cà phê của giới trẻ hiện nay, cũng như phải học hỏi thật nhiều kinh nghiệm, bởi để thành công thì những “tay mơ” rất khó cạnh tranh với các thương hiệu quán cà phê đình đám có mặt bằng vị trí tốt, cũng như các quán cà phê đã “thành danh” lâu năm.
“Có niềm yêu thích khởi nghiệp là tốt; tuy nhiên, sự yêu thích không thể đảm bảo khởi nghiệp sẽ thành công. Bởi người thành công vẫn có khả năng kinh doanh thất bại ở những dự án tiếp theo nếu ngủ quên trong chiến thắng. Bởi vậy, khi khởi nghiệp hãy tìm học những bài học của những người kinh doanh đi trước. Những bài học ấy không bao giờ là thừa. Đừng bao giờ là 'ngựa non háu đá'. Hãy lắng nghe nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn những gì mình muốn làm từ những người đi trước. Luôn tự đặt ra câu hỏi cho chính mình cho đến khi không còn thắc mắc nữa. Bên cạnh đó, hãy đi học về marketing trước khi muốn làm ông chủ. Vì thời nay, thời của truyền thông mạng xã hội, nếu không biết về marketing, xem như chưa khởi nghiệp mà đã thua 50%”, Phúc chia sẻ thêm.
XUÂN PHƯƠNG
(Thanh niên)
Bình luận