Khi quà vặt thế cơm nhà
Cơm nhà - hai tiếng ấy chẳng phải xa xôi gì. Thế nên, sẽ thật đáng buồn nếu một bộ phận người trẻ bỏ quên chút ấm áp cơm nhà để la cà quán xá.
Ở trọ cạnh nhà chị Duyên (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), tôi thỉnh thoảng vẫn ghé nhà chị chơi sau khi đã chuẩn bị bữa cơm chiều. Thế nhưng, sau vài lần thấy gia đình vẫn người nào việc nấy, bếp núc lạnh tanh, tôi mới hỏi chị chuyện nấu ăn.
Chị bảo: “Nhà có 5 người, con gái lớn đi làm về rồi đi ăn quán với bạn trai hoặc đi ăn vặt với bạn bè đồng nghiệp, thường 21g mới về nhà. Con trai học lớp 12 sau giờ học ở trường thì ăn vặt đâu đó rồi đi học thêm. Con gái nhỏ lớp 8 cũng chỉ thích ăn vặt ở nhà chứ ít khi chịu ngồi vào bàn ăn cơm nên nhà chị nhác nấu. Có nấu cũng hai vợ chồng ăn, buồn lắm, lại mất thời gian nên chị thường mua thức ăn ngoài quán về ăn cho tiện. Thời gian còn lại để làm việc”.
Ăn vặt tại chợ Cồn. Ảnh nguồn: Internet
Câu chuyện của chị Duyên không phải hiếm gặp ở các gia đình hiện nay khi mà điều kiện kinh tế ngày một đi lên, con người bận rộn hơn và cũng thích những mô hình phục vụ sẵn hơn. Những bạn trẻ thường ít về nhà ngay sau giờ học, giờ làm; thay vào đó họ la cà quán sá, đi ăn vặt cùng bạn bè như một thói quen khó bỏ.
Không khó để tìm thấy hàng trăm địa chỉ ăn vặt vào giờ tan tầm chỉ trên địa bàn Q.Hải Châu, Đà Nẵng; và càng không khó để tìm thấy những quán đông nghịt người, phải chờ rất lâu để có được một chỗ ngồi. Khách hàng của họ là học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức và cả những bà nội trợ mua đồ ăn sẵn về cho cả nhà.
Ai cũng biết sự tiện lợi của đồ ăn vặt như mùi vị thơm ngon, được thưởng thức nhiều món, đổi món mỗi ngày, ít tốn thời gian và đặc biệt là có thể đi ăn cùng bạn bè... Thế nhưng, bên cạnh đó nó lại tiêu tốn rất nhiều tiền trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay. Đó là chưa kể đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - một trong những mối quan tâm hàng đầu của các ban ngành bởi dịch bệnh ngày càng tràn lan, khó kiểm soát.
Đặc biệt, sau một thời gian dài duy trì thói quen ăn vặt, rất nhiều bạn trẻ dường như không còn mặn mà với bữa cơm gia đình, nhiều bạn hầu như chưa bao giờ nghĩ tới chuyện tranh thủ sau giờ làm ghé vào chợ mua vài món đồ rồi chế biến một bữa cơm ấm cúng.
Như bạn T. Tâm (một công chức tại Đà Nẵng) chia sẻ: “Mỗi tháng mình chỉ ăn cơm tối với gia đình 2 hoặc 3 lần, mình thích đi ăn vặt cùng bạn bè hơn...”. Bạn H. Ngọc (một công chức khác) cho rằng: “Mình không biết nấu ăn và cũng không thích nấu ăn nên đi ăn vặt sau giờ làm rồi về là hợp lý nhất”.
Vẫn biết trong xã hội hiện đại chuyện nữ công gia chánh không còn đặt nặng, tuy nhiên thiết nghĩ mỗi gia đình, mỗi bạn trẻ cần chú trọng phát huy truyền thống đó. Bởi lẽ tự tay mình chuẩn bị vài món ăn yêu thích cho cha mẹ, anh em, vợ chồng không chỉ là nghĩa vụ hay trách nhiệm mà đó chính là một nghĩa cử thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng.
Hơn nữa, bữa cơm chiều là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để gia đình đoàn tụ, trao đổi mọi điều trong cuộc sống sau một ngày làm việc, là thời điểm cha mẹ dạy cho con cái những bài học làm người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xa rời bữa cơm gia đình chính là xa rời sự gắn kết và truyền thống quý báu của gia đình Việt.
Tác giả: Lê Hồng Mận
(Bài viết của tác giả Lê Hồng Mận đã được đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 29/7/2015 - Madasa sử dụng lại)
90% người trẻ thường ăn vặt Theo một khảo sát gần đây của Vinaresearch (một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường) về thói quen ăn vặt của giới trẻ, có tới 90% những người tham gia cho biết thường ăn vặt ít nhất 1 lần/tuần (nữ giới nhiều hơn nam giới), có tới 26,8% thanh thiếu niên ăn vặt mỗi ngày. Trong số những người được hỏi có tới 68% bạn trẻ cho rằng thường xuyên đi ăn vặt vì thích các món ăn vặt, 60,8% cho rằng hình thức ăn vặt thích hợp với việc đi cùng bạn bè, đồng nghiệp và chỉ có 18% cho rằng ăn vặt để tiết kiệm thời gian. |
Bình luận