Món quà từ tay mẹ: Ba má
Những thứ ba má cho chúng tôi không chỉ là vật chất hữu hình, mà hơn hết, đó là những tình yêu cao quý bao la đến vô hạn...
Những cái Tết bỗng trôi xa theo thời gian không ngừng chảy. Mới đó mà tháng giêng đã hết. Những người làm ăn tha phương đều vẫy chào tạm biệt quê hương trở về miền đất khách. Mọi người lại tất bật ngược xuôi cho chuyện học hành, cho miếng cơm manh áo.
Nhà của tôi, nơi năm xưa đầy ắp tiếng cười đùa giờ cũng chìm sâu trong khoảng lặng.
Chị hai của tôi và con bé út đều an cư lạc nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn. Nhà chỉ còn lại tôi và tuổi già của ba má. Tiếng ti vi ngập ngừng không chịu tắt, má nói trong buồn tủi đôi khi hòa thêm vài giọt nước mắt nghẹn ngào “nhà thưa người mà còn tắt ti vi sao ra nhà nữa con”. Tôi hiểu, má sợ nỗi buồn, má sợ sự im lặng của không gian. Và hơn hết, má sợ những khoảng không vô định lúc cuối đời…
Tôi làm việc cũng không xa nhà lắm. Nhưng buổi trưa tôi đều dùng cơm tại văn phòng cho đỡ mất thời gian. Những buổi trưa vắng, tôi biết, ba đều bảo má “bà nấu ít cơm thôi, khỏi kho thịt, luộc 1 dĩa rau là được rồi”. Không phải ba má không có tiền, cũng chẳng phải nấu thêm dĩa thịt sẽ tốn nhiều thời gian. Chỉ là, cơm trưa hiu quạnh, hai miệng già ăn có dạc bao nhiêu. Ba muốn má nấu nhiều món ngon hơn vào buổi tối để sau khi tan ca trở về nhà, tôi có thêm nhiều bữa cơm nóng hổi. Cũng chỉ vì ba má quá thương con. Bàn ăn tối lúc nào cũng đầy ắp cá và thịt. Má biết tôi thích ăn canh sườn non nấu dưa chua. Một tuần 3 lần má sẽ nấu món đó. Nồi canh luôn có vị ngòn ngọt, chua chua và hơi cay của ớt. Tôi ăn cơm ngon lành với những món ăn của má. Lo cho đứa ở nhà chưa xong, ba má còn phải yêu thương cả mấy đứa xa nhà. Đó là những lần ba má trao gửi chút ấm nồng cho những thùng quà quê gửi vào Sài phố. Ba má biết chị hai và con em út của tôi bon chen miền đất khách vất vả nhiều lắm. Những bữa ăn vội vàng, những phần cơm canh nguội. Ba má lo hai chị em sinh bệnh nên cứ cách nhật nửa tháng lại gửi một thùng toàn đồ ăn. Chỉ những đứa con xa quê mới biết quà quê quý giá đến nhường nào. Bao nhiêu là thịt bò loại một, xương heo còn tươi rói, những con tôm được bóc vỏ sạch sẽ cho đến những nắm rau do ba má tự trồng. Tất cả đều dùng bàn tay của má tỉ mỉ bao bọc rất gọn gàng.
Những thứ ba má cho chúng tôi không chỉ là vật chất hữu hình, mà hơn hết, đó là những tình yêu cao quý bao la đến vô hạn. Tôi biết, không phải ai sinh ra đều có đủ đầy cả cha và mẹ, nhưng hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác của những đấng sinh thành có con cái bất hiếu, họ phải trải qua đau khổ đến nhường nào. Chính vì vậy mà mấy chị em tôi cũng cố hết sức giành ra cho gia đình những phút giây đông đủ. Không phải chỉ vì muốn làm cha mẹ vui, mà hơn hết, tất cả chúng tôi cùng muốn tạo ra những kỉ niệm khó phai cho chính chúng tôi trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời.
Có lần tôi nghe ba nói “bà lo mà chăm sóc sức khỏe, bà đi trước tôi thì tôi sống còn ý nghĩa gì nữa, cuộc đời sao ngắn ngủi quá bà ạ”. Những lời ấy như con dao sắc lẹm cứa sâu vào tim tôi. Nép sau cánh cửa nhà chính, nước mắt tôi thi nhau tuôn ra trong vô thức. Thì ra ba má đều đã già rồi, trước mặt tôi ba chưa bao giờ nói với má như thế. Có lẽ, ba sợ tôi buồn. Làm con người có ai vui trước việc chứng kiến người thân đi xa cơ chứ. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc mãi không ngủ được.
Cuộc sống cũng giống những cành hoa mai ngày tết, hoa cứ nở rồi lại tàn, nhưng hoa không bao giờ tắt, năm này qua năm khác hoa vẫn khoe hương với cuộc đời. Tôi nhận ra những mùa hoa của ba má không nhiều nữa, chẳng nhẽ tôi cứ đợi đến mùa hoa mai về mới cho ba má hưởng thụ không khí ấm cúng. Vì vậy, tôi không thể làm cho ba má lo lắng nhiều nữa, tôi phải trưởng thành. Một sự trưởng thành thật sự. Ở ngôi nhà ấy, tôi sẽ thay cả chị hai và em Út ngân lên tiếng cười đùa. Ba má sẽ không phải ăn những bữa cơm trưa cô quạnh nữa, tôi sẽ sắp xếp công việc, sắp xếp thời gian nấu cho ba cho má những bát canh ngon, những nồi kho thơm phức. Mãi mong rằng ba má có quãng đời còn lại thật hạnh phúc.Những cảm xúc ấy làm tôi chợt nhớ đến một bà thơ mình từng được học,rồi cứ ngân nga theo giai điệu du dương của nó:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chằng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Cúc Dại (Ninh Phước, Ninh Thuận)
Bình luận