Món quà từ tay mẹ: Chiếc xe đạp
Bài dự thi "Món quà từ tay mẹ" của bạn Bùi Thị Lặng là câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khi mang những thông điệp từ trái tim gửi đến trái tim. Với cách sử dụng ngôn từ mộc mạc, lối kể chuyện chân tình, món quà lớn từ tay mẹ sẽ là hành trang theo bạn suốt cuộc đời.
► CUỘC THI VIẾT “MÓN QUÀ TỪ TAY MẸ”
► Món quà từ tay mẹ: "Bài thơ đầu tiên"
‘‘Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào’’. Nghe câu hát vang đâu đây làm lòng con trào dâng một cảm xúc khó tả. Kỷ niệm ùa về, lòng con lắng đọng nỗi nhớ mẹ cha da diết. Phải chăng trong cuộc đời này tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt và trọn vẹn nhất?
Nhớ ngày ấu thơ đã xa lắm rồi. Gia đình mình còn nghèo lắm. Ngày ngày, cha mẹ quần quật làm lụng mà cũng chẳng đủ miếng ăn. Cha đi phụ hồ, ngày nắng cũng như ngày mưa, lầm lũi kiếm từng đồng bạc. Mẹ thì chăm bẵm đồng ruộng. Đôi bàn tay ấy cấy, cày, làm cỏ… suốt ngày bán mặt cho đất để có miếng ăn cho gia đình. Trên mảnh đất nghèo nàn ấy. Con người cứ làm cật lực làm mà có khi nào đủ ăn. Con đã lớn lên từ những giọt mồ hôi gian khổ ấy. Nhưng chưa bao giờ thấy mình nghèo nàn, khổ sở. Mà ngược lại con thấy mình thật đủ đầy. Không phải vật chất mà là tình yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ. Nhà cách trường mấy cây số. Ngày ngày con đi bộ đến trường. Ôm ấp niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng. Tháng ngày ấy, dù gia đình mình không có gì cả nhưng sao con vẫn thấy vui đến lạ. Không bao giò đòi hỏi bất cứ thứ gì từ cha mẹ.
Nhớ ngày con thi tuyển được vào lớp 10. Con chạy thật nhanh về nhà, hồ hởi thông báo với mẹ cha. Vừa chạy về đến sân con đã gọi toáng lên: “ mẹ ơi, con đã chính thức là nữ sinh cấp 3 rồi này’’. Mẹ chạy ra, ôm chầm lấy con: “Vậy là con gái tôi đã lớn thật rồi’’. “Con đã lớn thật rồi mẹ ạ. Không phải con nít cấp 2 nữa đâu mẹ nhé’’. Hai mẹ con nói chuyện rôm rả rồi cười hạnh phúc. Tối hôm ấy, trong lúc ôn lại bài. Con nghe cha mẹ nói chuyện với nhau: “Bà này, con gái chúng ta đã lên cấp 3 rồi. Đường đi lại xa. Bấy lâu nay con toàn dậy sớm để đi bộ đến trường. Chúng ta biết lấy đâu tiền mua một chiếc xe cho con đây’’. Mẹ thở dài: “Ông cũng thấy đấy. Miếng ăn hàng ngày nhà mình còn không đủ. Tích cóp được đồng nào ông lại mua thuốc men cho tôi. Hay ngày mai Ông xin anh chủ ứng trước lương”. “Nhưng... ’’. Bố ngập ngừng: “Lương ba cọc ba đồng, đi làm cả tháng cũng được có mấy trăm. Ứng đi rồi, tháng tới chúng ta biết lấy tiền đâu mà ăn, còn tiền thuốc thang cho bà nữa”. Nghe bố mẹ nói chuyện mà con rơi nước mắt lúc nào không biết. Con vội chạy ra: “Không, con đi bộ quen rồi ạ. Con không muốn chiếc xe nào hết. Con chỉ mong lúc nào cũng thấy cha mẹ khỏe mạnh là con thấy hạnh phúc nhất rồi. Đêm ấy con không tài nào chợp mắt. Nghĩ thương cha mẹ, hai hàng nước mắt cứ tuôn ra. Biết bao giờ cái khổ mới hết đeo bám gia đình mình đây?
Vào một buổi trưa gần ngày nhập học. Khi đi trường về . Con thấy chiếc xe đạp màu xanh dương ai đó dựng ở sân. Nghe tiếng cha mẹ nói chuyện trong nhà. Con vội chạy vào:“ Mẹ ơi, xe đạp ai dựng trong sân nhà mình vậy mẹ”. Mẹ vừa kéo tay con dắt ra sân vừa nói: “Con xem này, có thích không? Sáng nay, bố mẹ lên chợ huyện mua cho con. Như món quà bố mẹ tặng con gái khi bước vào cấp 3 con à”. “Nhưng mẹ lấy đâu ra tiền”. Tôi ngạc nhiên hỏi. “ Con không phải lo, mẹ có chút ít để dành từ trước”. “Không. Nhà mình miếng ăn hàng ngày còn không đủ cơ mà. Hay mẹ lại đi vay ai phải không? Mẹ nói cho con biết đi”. Bảo tôi ngồi xuống ghế. Mẹ thở dài và nói:“Con à. Mẹ kể cho con nghe. Ngày trước khi cha mẹ lấy nhau. Bà ngoại có kỷ niệm mẹ 1 vòng bạc cổ. Mẹ đã giữ nó mười mấy năm rồi. Giờ con gái mẹ đã lớn, lên cấp 3 đường đi học rất xa. Gia đình mình lại nghèo quá. Mẹ nghĩ bán chiếc vòng bạc đi để đổi lấy chiếc xe cho con đi học. Coi như mẹ gián tiếp tặng món quà bà ngoại lại cho con, rất cần thiết với con phải không nào’’. Nghe mẹ nói mà lòng con nghẹn lại. Nhìn vào đôi mắt sâu trên khuôn mặt in hằn sương gió của mẹ, mà con thấy mình bé nhỏ biết bao nhiêu. Mắt nhòa đi. Con ôm chầm lấy mẹ và khóc: “Con cảm ơn mẹ. Con biết lấy gì để đền đáp cha mẹ đây”
Chúng tôi đã dắt tay nhau và cùng vượt qua những ngày gian khổ...
Năm tháng đi qua. Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời này. Nhưng vì sao kỷ niệm về tuổi thơ ấu nghèo khó vẫn mãi in trong tiềm thức. Chiếc xe đạp năm ấy là kỷ niệm không thể nào quên. Giá trị to lớn của nó thế nào, có lẽ chỉ người có tuổi thơ khốn khó như tôi mới thực sự cảm nhận được.
Bùi Thị Lặng (Tân Lạc, Hòa Bình)
Bình luận