Món quà từ tay mẹ: Bữa cơm cuối cùng
"Bữa cơm cuối cùng" là câu chuyện cảm động từ bi kịch gia đình tan vỡ, được khắc họa bằng những ngôn từ giản dị của tác giả Bình Nguyên. Câu chuyện có sức lay động lòng người bởi chính những kỷ niệm mộc mạc, chân thành trải dài qua năm tháng... trong nỗi buồn vô hạn vẫn thấp thoáng bóng dáng của niềm vui ngọt ngào...
► CUỘC THI VIẾT “MÓN QUÀ TỪ TAY MẸ”
► Món quà từ tay mẹ: "Bài thơ đầu tiên"
► Món quà từ tay mẹ: "Chiếc xe đạp"
Gia đình tôi thuộc vào loại khá giả và có một khoảng thời gian tôi thấy mình thật sự hạnh phúc. Nhưng hiện tai thì không như vậy. Tôi như người ngủ say sau một giấc mộng kinh hoàng. Bố mẹ chia tay nhau đã được bốn năm kể từ ngày đó. Cả hai bây giờ đều có cuộc sống hôn nhân mới. Còn tôi và chị, cái thời khắc chia ly ấy là sự khởi đầu cho hai cuộc sống đầy mất mát và biến động. Sự thật ẩn chứa đầy trớ trêu và nghiệt ngã, phải chăng là thượng đế đang đùa giỡn với chúng tôi?
Khi ấy tôi học lớp 2, còn chị học lớp 5. Hai chị em rất yêu thương nhau và chẳng bao giờ chúng tôi tranh giành điều gì. Mẹ mua đồ chơi mới, quần áo mới, cặp sách mới hay bất kể thứ gì chị cũng nhường tôi. Chị bảo:
- Chị lớn hơn em nên chị sẽ không giành của em đâu!
Tôi thì trái ngược, lúc nào cũng mặc định đó là của mình nên chẳng mấy khi nghĩ đến chị. Có lần mẹ mua cho hai con búp bê rất xinh: Một con màu hồng và một con màu đỏ. Chị tôi luôn thích màu hồng nhưng tôi lại đòi bằng được con búp bê đó. Dù chị không vui nhưng cũng không tranh với tôi. Chị ngậm ngùi lấy con búp bê màu đỏ rồi đi vào phòng, ngồi trên giường đọc truyện. Tôi vội vàng đi theo rồi dúi con búp bê vào tay chị: “Của chị này”! Mặt chị ỉu xìu:
- “Của em thì em cứ cầm lấy, chị thích con này hơn”.
Tôi biết thật lòng không phải vậy, để giảng hòa tôi ngồi phịch xuống giường cù lét chị, rồi cứ thế hai đứa phá ra cười. Thế là chị hết giận. Nhưng cuộc sống êm đềm chẳng được bấy lâu. Bố khác hẳn mọi khi thường đi làm về khuya, lúc nào cũng trong tình trạng nồng nặc mùi rượu rồi cáu gắt. Thỉnh thoảng còn la mắng mẹ thế này thế nọ. Có hôm quát lây sang cả chúng tôi. Một lần tôi thấy bố về muộn được một chiếc taxi chở, vừa bước chân đến cổng bố đã hét um lên. Mẹ chẳng hiểu chuyện gì chạy ra thì bị bố cho một cái bạt tai tối tăm mặt mũi. Hai bên lời qua tiếng lại với nhau khá lâu. Tôi và chị chẳng biết làm gì để bố mẹ bớt cãi vã. Một lúc sau mẹ đi vào phòng, mắt sung húp, má vẫn còn ửng đỏ vì cái tát vừa rồi. Còn bố cứ ngồi ở phòng khách, nói lảm nhảm về chuyện tiền nong. Chúng tôi im lặng về phòng của mình làm bài tập cho buổi học ngày mai. Nhưng chẳng đứa nào tập trung được, tôi biết chị đang nghĩ gì và chị cũng vậy. Bắt đầu từ đó, bố không mấy khi ăn cơm cùng chúng tôi nữa, hôm nào cũng tận đêm mới về rồi trút giận lên mẹ một hồi mới chịu lên giường nghỉ. Tôi thấy bố mẹ không còn ngủ chung phòng như trước nữa. Đó là sự khởi đầu cho những rạn vỡ không thể hàn gắn được...
Một buổi chiều khi hai chị em vừa tung tăng ở trường về, đang định mở cửa vào nhà thì tôi nghe tiếng mẹ nói với bố vọng ra:
- “Tôi thì không thể sinh con trai cho anh được nữa rồi. Chúng ta ly hôn đi! Tôi sẽ nuôi Thủy còn anh nuôi Hoa. Nhà thì tôi để lại cho anh với cô Liên. Tôi với Thủy sẽ về quê ngoại”.
Tôi và chị sững sờ đến đờ đẫn. Cô Liên là ai? Sao hai chị em lại phải mỗi người một nơi như thế? Chạy vào nhà, tôi nức nở:
- “Mẹ ơi! Sao bố mẹ lại chia tay nhau? Bố mẹ không thương chúng con nữa à? Con không muốn xa chị Thủy đâu, con muốn ở với bố, với mẹ và chị. Bố mẹ đừng chia tay mà”!
Chị cũng nấc lên từng hồi vội vàng sà vào lòng mẹ. Ba mẹ con ôm nhau khóc. Tôi và chị hiểu vì sao bố mẹ lại chia tay rồi. Tất cả đâu phải lỗi của mẹ cơ chứ? Từ hôm đó, mỗi khi có thời gian mẹ lại tranh thủ dọn đồ để chuẩn bị cho ngày về quê. Căn nhà bỗng trở nên trống trải. Mọi chuyện vẫn cứ diễn ra như nó phải như vậy. Chị em tôi cũng vẫn đến trường đều đặn như mọi ngày nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy bất an nhận ra rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ phải tạm biệt mái trường thân yêu này. Chị Thủy cũng là lạ, cứ tan học là ngồi ở ghế đá nhìn nhìn ngắm ngắm như muốn thu trọn mọi thứ vào trong tầm mắt của mình và chờ cho đến khi tôi được nghỉ rồi chị dẫn đi ăn những món tôi thích mới chịu đèo về nhà. Tôi hỏi chị:
- “Chị lấy đâu ra tiền mà ngày nào cũng đưa em đi ăn vậy”? Chị cười bảo:
- “Đấy là tiền mừng tuổi và tiền chị được thưởng trong kì thi học sinh giỏi kì I vừa qua. Chị đang định khi nào tích đủ tiền mua cho Hoa đôi giầy mà trước tết em thích ý nhưng để lần sau nhé! Chị hứa đấy”! Chị còn nhớ cả những cái đó nữa! Tôi òa khóc:
- “Có phải chị muốn bỏ rơi em đúng không, cho em ăn rồi không thèm đến thăm bố, thăm em nữa”? Chị cũng khóc rồi xoa đầu tôi:
- “Không đâu Hoa. Khi nào rảnh chị sẽ cùng mẹ về thăm em mà. Chị không bao giờ bỏ rơi em đâu, em của chị”…
Không khí trong nhà vào những ngày cuối cùng thật ảm đạm. Mới chỉ có vài tháng đây thôi nó còn đầy ắp tiếng cười vui vẻ là thế: Bố lúc nào cũng hát líu lo, còn mẹ thì tra tấn hai cái mũi chị em tôi bằng những mùi thơm nức của món ăn. Bữa tối được bày lên bàn y rằng bố sẽ lại rối rít gọi chúng tôi:
- “Hai cô công chúa của tôi đâu rồi? Mau xuống ăn cơm đi, bố đói lắm rồi đây”!
Những cảnh tượng ấy chỉ vừa mới đây thôi. Tôi vẫn đang hình dung mẹ ngồi bên này bàn cùng với tôi đang xới cơm cho bố, cho chị rồi cho tôi. Bố thì hít hà món cá kho tộ nghi ngút khói, cả nhà vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Bỗng nghe tiếng mẹ:
- “Hoa mau gọi chị xuống ăn cơm con”!
Tôi giật mình với hiện thực. Bữa tối hôm nay có biết bao nhiêu là món: Nào gà rán chiên xù món khoái khẩu của tôi, canh cá om dưa của chị, cả món cá kho tộ mà bố mà rất thích. Nhưng lại thiếu đi một thành viên vô cùng quan trọng. Nhìn tôi và chị uể oải, mẹ cố tỏ ra vui vẻ:
- “Mẹ làm toàn món hai đứa thích, ăn đi cho nóng. Hôm nay là bữa cơm cuối cùng em Hoa ăn với chị. Mai mẹ và chị Thủy sẽ chuyển về quê. Hoa ở nhà phải nghe lời bố và cô Liên nhé! Chắc vài hôm nữa cô ấy sẽ về đây ở. Hoa có thêm mẹ mới đấy con ạ”!
Nghe mà như điếng người đi, tôi sắp phải xa chị, xa mẹ ư? Còn phải gọi ai đó là mẹ nữa ư? Không thể tin nổi khi mọi thứ thay đổi nhanh chóng đến vậy. Tôi muốn níu giữ khoảnh khắc này mãi mãi. Đêm đó 2 chị em không ngủ, trò chuyện cho tới sáng. Tôi dặn dò chị không được làm biếng, không được cãi lời mẹ, lúc nào thấy mẹ mệt phải xoa bóp chân cho mẹ…v.v Vì mẹ tôi bị thấp khớp đã lâu, cứ trở trời là chân tay nhức mỏi. Chị cũng dặn tôi phải tự chăm sóc bản thân, phải nghe lời bố, nghe lời Cô Liên...v.v Chị thủ thỉ chuyện mẹ kế con riêng mà trên tivi vẫn hay chiếu phim nhắc đi nhắc lại tôi đừng bao giờ làm cô Liên giận. Rồi chị cười, nói khẽ vào tai tôi: “Hè này chị sẽ về thăm em”. Một đêm trôi qua thật mau! Tôi vẫn không thể tin nổi vào cái sự thật đó… Chúng tôi chia tay nhau trong mưa nước mắt. Trước khi lên xe theo mẹ về quê chị cứ nức nở ôm tôi vào lòng không chịu rời, mẹ phải lôi chị ra. Tôi chạy theo chiếc xe khách khi nó lăn bánh, mắt tôi nhòa đi, chỉ còn lại làn khói xăng đen đặc. Hè năm ấy chị không về thăm tôi như đã hứa. Tôi giận chị, rồi giận cả mẹ. Trong phút nhớ nhung tôi quyết xin bố cho về quê ngoại. Bố đồng ý. Hôm đó cô Liên đưa tôi ra bến xe khách và còn gửi cả một bộ quần áo cho chị. Về đến nhà thấy chị đang lúi húi nhặt rau, tôi chạy tới ôm chầm lấy chị:
- A! Em Hoa! Mẹ ơi em Hoa về thăm mẹ con mình này.
Mẹ quần áo dính đầy cả bùn đất từ sau nhà chạy vội lại. Ba mẹ con ôm nhau mà vui mà sướng. Bữa đó mẹ nghỉ làm rồi ba mẹ con đi chợ nấu một bữa trưa thịnh soạn. Chị và mẹ hôm nay làm toàn món mà tôi thích tất nhiên là có cả món gà chiên. Những đùi gà béo ngậy, vàng ươm được bày trên đĩa thật đẹp. Mẹ cũng làm món cá om dưa cho chị. Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, để ý thấy mẹ và chị gầy đi nhiều, tôi thương lắm. Tôi bảo đây có thể là lần cuối cùng tôi đến thăm mẹ và chị. Bố với cô Liên dự định sẽ về quê cô ấy sống vì cô Liên đang mang bầu nhưng bị động thai. Mà từ đó về đây thì xa lắm. Bố sẽ không cho tôi đi một mình. Cứ thế nước mắt tôi ứa ra lúc nào không biết. Tôi cố ăn hết đĩa gà mẹ làm để mà mỗi lần ăn tôi lại có thể nhớ đến mẹ, nhớ đến chị. Đó cũng là bữa cơm cuối cùng tôi cảm thấy ngon nhất, ấm áp nhất trong đời.
Bữa ăn cuối cùng
Giờ mẹ cũng có người để bầu bạn, chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tôi có thêm một người mẹ thứ hai, một đứa em trai kháu khỉnh. Nhưng trong thâm tâm, mẹ vẫn là người mẹ tuyệt vời nhất. Và chị Thủy vẫn là người chị đáng kính, người thân mà tôi rất đỗi yêu thương. Thỉnh thoảng, cô Liên cũng làm món gà rán nhưng tôi không cảm nhận thấy nó có vị như của mẹ làm. Có lẽ, mẹ đã cho thêm một hương vị độc quyền. Đó là hương vị của gia đình, của tình mẫu tử thứ mà tôi luôn mong chờ và thèm khát một ngày nào đó sẽ lại được nếm thử. Quá khứ dường như chỉ là một giấc mơ, tôi muốn mình cứ ngủ hoài trong giấc mơ ấy để chẳng bao giờ phải tỉnh dậy, không còn cảm thấy đau đớn, cô đơn và lạc lõng như lúc này!
Bình Nguyên (Nhân Chính, Hà Nội)
Bình luận